Enforcement on LUR transfer under current Law on Enforcement of Civil Judgements

I. KHÁI QUÁT VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ – CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1.1 THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Thi hành án dân sự là quá trình thực hiện phán quyết có hiệu lực của Toà án, Trọng tài trên thực tế. Người phải thi hành án có thể tự nguyện hoặc bị cưỡng chế (bởi cơ quan thi hành án khi có yêu cầu) thi hành án nhằm đảm bảo mục đích cuối cùng là đem lại quyền và lợi ích cho người được thi hành án, đảm bảo pháp luật được thực thi trên thực tế.


1.2 CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình mặc dù có điều kiện thì sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành.

II. CƯỠNG CHẾ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT – BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ


2.1 CƯỠNG CHẾ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, người được thi hành án sẽ được cơ quan thi hành án tiến hành giao diện tích đất với sự có mặt của cơ quan quản lý đất đai và uỷ ban cấp xã nơi có đất được chuyển giao.


2.2 BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ

Thực tế có những vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, sau khi có bản án tuyên A có nghĩa vụ chuyển giao thửa đất X cho B. Theo giấy chứng nhận thửa đất X ghi nhận diện tích đất 1000m2, tuy nhiên khi tiến hành xác minh diện tích thửa đất trên để thi hành án thì chỉ có 800m2 (200m2 được xác định là do sạc lở đất dọc bờ sông). Vấn đề pháp lý đặt ra là: người phải thi hành án trong trường hợp này đã thực hiện xong nghĩa vụ hay chưa?

Thứ nhất: Thửa đất trên bị giảm diện tích là do sạc lở, một hiện tượng tự nhiên rất hay xảy ra ở những vùng đất ven sông, và thực tế, diện tích đã bị sạc lở không thể bồi đắp lại được. Do đó, người phải thi hành án không thể lấy đất bồi đắp lại cho đủ 1000m2 và họ chỉ có thể chuyển giao 800m2 trên thực tế mà thôi. Rõ ràng, nghĩa vụ của họ theo bản án là chưa được thực hiện xong nhưng trên thực tế là họ không thể thực hiện đầy đủ được nữa.

Thứ hai: Nếu như vậy, họ có phải thực hiện nghĩa vụ còn lại hay không? Nếu có thì thực hiện như thế nào? Xem xét trường hợp trả vật đặc định thì nếu vật đặc định giảm giá trị và nếu người được thi hành án không nhận, các bên không thoả thuận được thì người được thi hành án có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả bị giảm giá trị. Tuy nhiên, việc khởi kiện lại đã bắt đầu một vụ án khác và coi như việc thi hành án hiện hành đã kết thúc. Như vậy, phần giá trị bị giảm nếu không thoả thuận được, thì sẽ không còn được xem là nghĩa vụ của người phải thi hành án trong vụ việc hiện hành nữa vì nghĩa vụ ấy không thể thực hiện được. Việc đưa ra hướng khởi kiện vụ án khác là hợp lý vì 2 lý do chính: (i) cơ quan thi hành án không có thẩm quyền phân xử, xác định mức bồi thường mà việc đó thuộc thẩm quyền của Toà án; (ii) khả năng đòi bồi thường thành công là rất cao do hoàn toàn có cơ sở để chứng minh người phải thi hành án đã làm giảm giá trị vật đặc định dù là lỗi vô ý hay cố ý.

=> Đối với trường hợp chuyển giao quyền sử dụng đất thì Luật không quy định cụ thể hướng giải quyết như thế nào nếu đất bị giảm diện tích do sạc lở. Xem xét việc áp dụng tương tự quy định trả vật đặc định, ta thấy trường hợp chuyển giao quyền sử dụng đất bị sạc lở hoàn toàn có thể áp dụng được. Do đó, thiết nghĩ luật thi hành án cần bổ sung và áp dụng tinh thần điều khoản trả vật đặc định, nhằm giúp giải quyết vấn đề nêu trên.

-=-

Vũ D. Quang (Quangralph)

Leave a comment